Có nồng độ cồn trong máu không có nghĩa là đã sử dụng rượu bia
nên vẫn được Bảo hiểm bồi thường 420 triệu đồng
Tư vấn viên: ĐẶNG THỊ LIÊN
Ngày 20/03/2021: Khách hàng nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi tử vong
Ngày 28/07/2021: Khách hàng nhận thư thông báo từ chối
Ngày 14/10/2022: Trung tâm hỗ trợ bồi thường Hưng Yên tiếp nhận hồ sơ của Khách hàng
Ngày 20/10/2022: Hỗ trợ thư cho Khách hàng lần 1
Ngày 30/11/2022: Hỗ trợ thư cho Khách hàng lần 2
Ngày 02/12/2022: Công ty Bảo hiểm đồng ý chi trả 420 triệu
Người được Bảo hiểm trong hợp đồng tham gia giao thông và không may gặp tai nạn tử vong.
Sau khi nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi lên Công ty Bảo hiểm và nhiều lần bổ sung thông tin chứng từ trong vòng hơn 4 tháng thì nhận được thư thông báo từ chối bồi thường với lý do: Người được Bảo hiểm “uống rượu bia vượt quá quy định khi tham gia giao thông theo luật giao thông hiện hành”.
Không chấp nhận lý do đó, sau khoảng 1 năm 3 tháng, Khách hàng có nghe đến TCA và tìm đến Trung tâm hỗ trợ bồi thường Hưng Yên để được hỗ trợ.
Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, TCA nhận thấy những điểm sau:
Thứ nhất, định lượng nồng độ cồn 2.3mmol/L của người được Bảo hiểm là trị số bình thường theo quy định của Bộ Y tế.
Trong cơ thể một người bình thường dù không uống rượu bia đều có nồng độ cồn trong máu ở một mức nhất định được nhiều bác sỹ, chuyên gia khẳng định là do ăn uống, sinh hoạt và các chất tự nhiên trong máu.
Đồng thời theo Quy trình kỹ thuật chuyên ngành hoá sinh số thứ tự 60 về định lượng cồn (Ethanol) trong máu, được ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, khi xét nghiệm mà có kết quả nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/L thì được coi bình thường.
Vì thế, chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm ghi nhận nồng độ ethanol của người được Bảo hiểm là 2.3 mmol/L thì Công ty đã kết luận vội vàng mà không xem xét đầy đủ các tình huống phát sinh trên thực tế để đánh giá, thẩm định hồ sơ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của người được Bảo hiểm.
Thứ hai, xác nhận từ Công an Huyện Khoái Châu và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên đều không kết luận việc người được Bảo hiểm có sử dụng rượu bia.
Đưa ra dẫn chứng:
+ Đơn đề nghị ngày 04/07/2021, Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Hưng Yên xác nhận “có làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu cho bệnh nhân với kết quả = 2,3mmol/L tuy nhiên bệnh viện không xác định bệnh nhân có uống rượu bia hay không”.
+ Đơn đề nghị ngày 25/08/2021 có sự xác nhận của Công an Huyện Khoái Châu “Căn cứ tài liệu thu thập đối với vụ tai nạn xảy ra ngày 13/12/2020 không đủ căn cứ để xác định công dân có uống rượu bia hay không”.
Như vậy việc có một lượng cồn nhỏ trong máu không đồng nghĩa với việc Khách hàng đã uống rượu bia trước khi tham gia giao thông. Do đó, nếu Công ty Bảo hiểm muốn từ chối bồi thường thì cần chứng minh được Người được Bảo hiểm đã uống rượu bia chứ không chỉ dựa vào một lượng cồn nhỏ trong máu.
Sau khi Khách hàng được TCA hỗ trợ viết thư phản hồi cho Công ty Bảo hiểm 2 lần, thì Công ty đã đồng ý chi trả cho Khách hàng 420 triệu đồng.
Chân thành cám ơn sự đồng hành của tư vấn Đặng Thị Liên đã phối hợp cùng TCA giúp Khách hàng nhận được quyền lợi và củng cố niềm tin của cộng đồng với ngành Bảo hiểm.
Bài viết hỗ trợ Khách hàng của TCA:
- Có hợp lý khi bắt buộc Khách hàng viết “tường trình” để nhận bồi thường?
- Khách hàng có nhất thiết bổ sung chứng từ theo yêu cầu của công ty Bảo hiểm để nhận bồi thường?
- Ai là người có thể quyết định về việc “Không cần thiết về mặt y khoa” để từ chối chi trả Bảo hiểm?
- Chỉ một phép Cộng sai, Khách hàng suýt không được bồi thường 750 triệu tiền Bảo hiểm