Thu nhập tăng, dân số già, viện phí tăng,…sẽ giúp cho

ngành bảo hiểm phi nhân thọ ăn nên làm ra

Thu nhập tăng, dân số già, viện phí tăng,...sẽ giúp cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ ăn nên làm ra

Ngành bảo hiểm được dự báo vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng dù đã phát triển khá nhanh trong nhiều năm trở lại đây. Kinh tế phát triển đã làm cho tầng lớp trung lưu mở rộng, kéo theo nhu cầu tiết kiệm, đầu tư và sự quan tâm tới các sản phẩm bảo hiểm tăng.

Theo Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA), cả năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 133.654 tỷ đồng, (tăng 24%), trong đó bảo hiểm nhân thọ ước đạt 87.960 tỷ đồng (tăng 33%), bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 45.694 tỷ đồng (tăng 10%). Đây là năm thứ 5 liên tiếp thị trường bảo hiểm Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trên 20%. Mức tăng trưởng cao của ngành chủ yếu được đóng góp bởi mảng bảo hiểm cá nhân, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới.

Trong một báo cáo mới đưa ra gần đây, Chứng khoán Rồng Việt VDSC cho rằng tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực. 

Hiện nay, các sản phẩm bán buôn cho các doanh nghiệp và tổ chức (bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm cháy nổ…) đang phục hồi chậm sau giai đoạn kinh tế suy giảm 2013-2014. Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới là vẫn là hai sản phẩm chủ lực. Tỷ trọng của hai loại bảo hiểm này trong tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ liên tục tăng từ 46% năm 2011 lên 61% trong 9 tháng đầu năm 2018. Thực tế này cho thấy ngành bảo hiểm ngày càng tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân.

Môi trường ô nhiễm, cơ cấu dân số bước vào giai đoạn già hóa và viện phí tăng là các nhân tố làm gia tăng nhu cầu của người dân đối với bảo hiểm sức khỏe. Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng với tỷ trọng dân số từ 45 tuổi trở lên tăng từ 26% năm 2010 lên 31% năm 2016. Hiện nay, theo Bộ Y tế, cứ 10 người thì có 7 người mắc bệnh không lây nhiễm (ung thư, đái tháo đường, tim mạch…). Các bệnh không lây nhiễm gây ra 77% các trường hợp tử vong hàng năm và chi phí điều trị các bệnh này cao hơn 40-50 lần so với các bệnh khác.

Nhu cầu về sở hữu xe ô tô sẽ tiếp tục tăng, theo sau sự mở rộng của tầng lớp trung lưu trong cơ cấu dân số và chính sách giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN theo Hiệp định ATIGA về 0% từ năm 2018. Tỷ lệ sở hữu ô tô trong dân số Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia, đứng sau cả Lào và Philipines. 

Hơn hết, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều bắt buộc phải có bảo hiểm. Các yếu tố này tạo ra dư địa tăng trưởng rất lớn cho bảo hiểm xe cơ giới (hơn 90% là bảo hiểm ô tô).

Thu nhập tăng, dân số già, viện phí tăng,...sẽ giúp cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ ăn nên làm ra - Ảnh 1.

“Dựa trên tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các công ty bảo hiểm cho mục tiêu thị phần và mảng bảo hiểm bán buôn vẫn tăng trưởng chậm, chúng tôi cho rằng mảng bảo hiểm cá nhân sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của các công ty bảo hiểm trong thời gian tới”, VDSC nhận định. 

Nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập đầu người gia tăng, cơ cấu dân số già hóa, viện phí tăng và tỷ lệ sở hữu phương tiện thấp sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu về bảo hiểm cá nhân. 

Dư địa tăng trưởng của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng được dự kỳ vọng là vẫn còn rất lớn dù đã phát triển khá nhanh trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, từ năm 2015, bảo hiểm nhân thọ đã phát triển nhanh với tốc độ trung bình 33%/năm, so với mức tăng 21%/năm trong giai đoạn 2012-2014. Nguyên nhân là do từ năm 2015, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, tăng vốn, đồng thời đẩy mạnh các kênh đại lý, phòng giao dịch và kênh ngân hàng.

Kinh tế phát triển làm cho tầng lớp trung lưu mở rộng, kéo theo nhu cầu tiết kiệm và đầu tư ngày càng tăng. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, đây là yếu tố kích thích sự tăng trưởng của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (liên kết chung và liên kết đơn vị). Tỷ trọng các sản phẩm liên kết đầu tư ngày càng tăng trong doanh thu phí khai thác mới (67% trong 9 tháng đầu năm 2018 so với 33% năm 2014). Bảo hiểm liên kết đầu tư cũng được dự báo sẽ là nguồn thu chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong thời gian tới.

Thu nhập tăng, dân số già, viện phí tăng,...sẽ giúp cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ ăn nên làm ra - Ảnh 2.

Tỷ lệ người dân Việt Nam có bảo hiểm nhân thọ còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới cho thấy ngành này vẫn còn dư địa tăng trưởng rất lớn. Tầng lớp trung lưu đang và sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng (dự kiến chiếm 50% dân số vào năm 2035 so với 11% năm 2015) sẽ là nhân tố kích cầu chính của các sản phẩm bảo hiểm cá nhân (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới).

Theo Trí thức trẻ