3,39 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và câu chuyện niềm tin

Hàng triệu hợp đồng hết hiệu lực năm 2023, có thể do đáo hạn, nhưng cũng có thể do hủy giữa chừng. Bảo hiểm nhân thọ phát triển không dựa trên niềm tin tạo kết quả trên. Báo Đầu tư Chứng khoán trao đổi với ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế – thành viên Hội Luật gia Việt Nam về câu chuyện này.
 

Theo thống kê từ Bộ Tài chính, có khoảng 3,39 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực trong năm 2023 và giả sử, những hợp đồng này đều bị mất từ những năm đầu và mỗi hợp đồng có mức phí đóng bình quân 10 triệu đồng/năm thì theo tính toán, toàn ngành bảo hiểm có thể thất thu gần 40.000 tỷ đồng/năm (mất nguồn phí bảo hiểm do không tái tục từ các năm sau đó). Đánh giá của ông về những con số này?

Với con số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực lớn như trên, tôi cho rằng, tất cả các bên (khách hàng, công ty bảo hiểm…) đều bị thiệt hại và mức độ thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với con số 40.000 tỷ đồng nêu trên. Đối tượng bị thiệt hại đầu tiên là khách hàng, bởi số phí bảo hiểm bị hao phí đó chính là số tiền của những người không có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn phải tham gia.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, thiệt hại cũng lớn vì họ phải tốn một số tiền tối thiểu 24.000 tỷ đồng (dựa theo giả định trên), vì tổng chi phí ban đầu của doanh nghiệp bảo hiểm lên đến 160% (được dùng để khấu trừ từ phí bảo hiểm khách hàng đóng vào), trong đó 100% là phí khách hàng đóng, 60% còn lại là doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng chi phí kinh doanh bảo hiểm và khi các hợp đồng trên bị mất hiệu lực thì các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ liên quan phải ghi nhận lập tức khoản chi phí này và không thu hồi được.

Cuối cùng là sự mất mát về niềm tin, đây là một tổn thất không thể đo đếm được.

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế - thành viên Hội Luật gia Việt Nam

Ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế – thành viên Hội Luật gia Việt Nam

Thực tế, không phải tất cả trong số 3,39 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực kể trên đều là những hợp đồng bị mất hiệu lực từ những năm đầu, mà vẫn có những hợp đồng đến kỳ đáo hạn?

Đúng vậy, việc mất hiệu lực của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể đến từ 2 lý do là hợp đồng đến kỳ đáo hạn và hợp đồng do khách hàng chủ động hủy, không đóng tiếp, nhưng dù là trong trường hợp nào thì việc hàng triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị mất hiệu lực trong một năm cũng là con số đáng quan tâm.

Thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng người dân phản ánh bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ và vấn đề này đã được đưa ra nghị trường Quốc hội, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Việc hàng triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mất hiệu lực trong những năm đầu cũng cho thấy có nhiều khách hàng không thực sự có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vẫn phải mua, điều này không khác nào bán sai sản phẩm, bán sai nhu cầu của khách hàng. Trong đó, nhiều hợp đồng bảo hiểm được bán qua ngân hàng và không ít ngân hàng đã nhận về hàng ngàn tỷ đồng tiền hoa hồng từ việc bán chéo bảo hiểm. Niềm tin sụt giảm khiến nhiều khách hàng mua qua các kênh khác như kênh đại lý tổ chức, kênh đại lý cá nhân… cũng hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không chỉ riêng kênh ngân hàng.

Có thể thấy, việc khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm từ những năm đầu hoặc chưa đến kỳ đáo hạn để lại nhiều hệ lụy. Theo ông, giải pháp bảo vệ khách hàng lúc này là gì?

Đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thay vì thực hiện thanh tra đơn thuần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay hoạt động tư vấn của đại lý, bởi sau các vụ việc vừa qua, điều khách hàng mong mỏi nhất là có lại được sự công bằng. Tôi cho rằng, cần tiến hành thanh kiểm tra mọi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ngưng đóng phí năm thứ 2, nếu phát hiện rơi vào trường hợp bị ép, có thể yêu cầu ngân hàng hoàn trả toàn bộ phí bảo hiểm của khách đã tham gia.

Để biết được cụ thể thiệt hại thì cần xác định rõ có bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị hủy do bán sai nhu cầu, bán sai sản phẩm và để làm được điều đó, cần có một cuộc điều tra sâu rộng nhằm làm rõ các sai phạm, chứ doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ đơn giản trả lời rằng “việc tham gia bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện vì khách hàng đã ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm”.

Nếu phát hiện ra hành vi bán hàng sai trái, bán hàng cho khách hàng không có nhu cầu… thì phải xử lý thật “mạnh tay” với các mức phạt tính bằng tỷ lệ doanh thu, chứ không chỉ là một vài trăm triệu đồng như quy định hiện nay để tăng tính răn đe, đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Ngoài ra, việc có một tổ chức bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm và có quyền hạn xử lý các vi phạm của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, kể cả các ngân hàng, là thực sự cần thiết. Bởi sau cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa qua, có thể thấy, chỉ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp, chứ chưa nói đến việc bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Về phía nhà bảo hiểm, cần phải làm gì để lấy lại niềm tin khách hàng?

Theo tôi, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần nhìn lại phương thức kinh doanh của mình, phải chấn chỉnh những kênh phân phối yếu kém được thể hiện ở tỷ lệ tái tục năm thứ hai thấp (tỷ lệ K2). Cần phải xây dựng đội ngũ có khả năng tư vấn cho khách hàng dựa trên kiến thức, thay vì thao túng cảm xúc của khách hàng.

Chiến lược kinh doanh bảo hiểm dựa vào tuyển dụng của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay cho thấy chưa đi vào chiều sâu, mà chỉ tập trung khai thác các mối quan hệ của đại lý mới, từ đó khiến cho số lượng đại lý rời ngành mỗi năm rất cao, dẫn tới một số lượng lớn khách hàng bị bỏ bê, thiếu sự chăm sóc (thường gọi là khách hàng mồ côi).

Bên cạnh đó, các chính sách thu nhập cũng tập trung chi trả cho nhiều tầng quản lý, khiến cho công tác tuyển dụng quá được xem trọng, thay vì chính sách thù lao tốt cho các đại lý trực tiếp bán hàng, từ đó hỗ trợ đại lý giỏi để họ có thể trở thành đại lý toàn thời gian và chuyên nghiệp.

Nguồn: ĐTCK