TRỤC LỢI BẢO HIỂM NGÀY CÀNG TINH VI, CÓ TỔ CHỨC
Trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng, tinh vi, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra những vấn nạn xã hội.
Trong lúc giới bảo hiểm đang xôn xao về vụ “1 khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm bị khởi tố hình sự, ông Ngô Trung Dũng – phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam – đã lên tiếng về vấn đề trục lợi bảo hiểm:
Không ai biết chính xác đã có bao nhiêu tiền chi trả người trục lợi bảo hiểm
Theo một nghiên cứu tin cậy cho thấy, chỉ tính riêng giai đoạn 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi (có bằng chứng, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phát hiện ra và đã từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm – QLBH) với số tiền trên 530 tỉ đồng trong bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.
Một khảo sát cá nhân của tôi từ bộ phận pháp lý, thẩm định chi trả QLBH của các DNBH nhân thọ năm 2016 và 2017 cho thấy, số hồ sơ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm nhưng không đủ bằng chứng có giá trị pháp lý chắc chắn nên vẫn phải chi trả QLBH chiếm 0,8 – 4,6% tùy công ty.
Chỉ tính năm 2020, riêng mảng nhân thọ chi trả xấp xỉ 28.000 tỉ đồng QLBH. Ước tính năm 2021 con số này có thể hơn 30.000 tỉ đồng.
Không ai biết trong số đó có chính xác bao nhiêu tiền DNBH đã chi trả cho khách hàng trục lợi. Chỉ biết vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Chẳng hạn, vào tháng 5-2020, vụ việc “giết người mượn xác” để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ (18 tỉ đồng) ở tỉnh Đắk Nông gây rúng động. Hay vụ người phụ nữ thuê người chặt chân chặt tay, sau đó tạo hiện trường giả bị tai nạn tàu hỏa cán để đòi tiền bảo hiểm 3,5 tỉ đồng cách đây hơn 5 năm.
Cần lưu ý, đây chỉ là những vụ công an đã điều tra và phát hiện, báo chí đưa tin.
Vụ hàng chục người bị ‘tai nạn’ chặt ngón tay cái để đòi tiền bảo hiểm
Đầu năm 2019, có vụ một người phụ nữ mua gần như cùng lúc 9 hợp đồng bảo hiểm tại 8 công ty bảo hiểm nhân thọ, khoảng 1 tháng sau bị “tai nạn” do dao chặt cụt ngón tay cái bàn tay trái và gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tới các DNBH trên, tổng quyền lợi bảo hiểm của thương tật trên của 9 hợp đồng có thể lên tới 3 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trước đó không lâu, tại một địa phương gần đó xảy ra vụ một người đàn ông mua bảo hiểm nhân thọ tại một DNBH, sau thời gian ngắn lại bị “tai nạn” hai lần liên tiếp cụt ngón tay cái, nhờ vậy nhận được 600 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Sau vụ việc của người đàn ông trên, trong một thời gian ngắn (2017, 2018) xảy ra tới 12 vụ (chưa thống kê đầy đủ) “tai nạn” cụt ngón tay cái vì… chặt dừa, chặt cây, cưa, chặt giò heo… ở cùng địa bàn trên và vùng phụ cận.
Lưu ý, tai nạn cụt ngón tay cái là ngón sẽ được chi trả số tiền bảo hiểm nhiều nhất, số tiền chi trả bằng 20% số tiền bảo hiểm QLBH tai nạn.
Nhận thấy dấu hiệu rất bất thường, nhiều người bị “tai nạn” cụt ngón tay cái đã mua 3, 4 hợp đồng tại nhiều công ty khác nhau – vượt quá khả năng tài chính. Đỉnh điểm là người phụ nữ có 9 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại 8 DNBH nói trên, các DNBH đã gửi hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an đề nghị điều tra.
Tuy nhiên, nếu một người cố tình hủy hoại thân thể bằng cách tự chặt ngón tay và báo do tai nạn thì khó tìm được bằng chứng nên cơ quan công an không thể kết luận họ cố tình hủy hoại cơ thể để trục lợi bảo hiểm.
Nhân cơ hội này, khách hàng nữ trên cùng chuyên gia tư vấn pháp lý sử dụng truyền thông, mạng xã hội gây sức ép và kiện DNBH ra tòa.
Kết quả tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm TAND TP.HCM đều bác đơn kiện vì khách hàng đã che giấu thông tin, không kê khai trung thực việc đã mua bảo hiểm tại nhiều DNBH khác, gian dối trong kê khai thu nhập để được mua hợp đồng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn hơn.
Phán quyết của tòa có lẽ đã cứu được nhiều ngón tay khác. Vì sau đó không thấy phát sinh các vụ “tai nạn” cụt ngón tay ở địa phương trên nữa.
Phương thức trục lợi bảo hiểm trở nên tinh vi
Ngoài việc tự gây thương tích để trục lợi bảo hiểm, trục lợi bảo hiểm con người còn biểu hiện ở nhiều hình thức đa dạng như có bệnh hiểm nghèo trước khi mua bảo hiểm nhưng không kê khai; thay đổi thông tin nhân thân đi khám bệnh, phát hiện ra bệnh thì đi mua bảo hiểm; làm giả hồ sơ y tế để trục lợi…
Phương thức trục lợi cũng trở nên tinh vi và đã có dấu hiệu hình thành việc trục lợi bảo hiểm có tổ chức. Gần đây, có dấu hiệu xuất hiện những nhóm người hiểu biết về bảo hiểm tìm cách tiếp cận với những người bị bệnh hiểm nghèo để giúp đỡ họ che giấu thông tin, mua và làm hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm, sau đó ăn chia với nhau.
Cần lưu ý, hành vi trục lợi bảo hiểm nếu đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thi hành pháp luật sẽ truy tố với tội danh “gian lận bảo hiểm” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…
Theo TT