THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ VẪN

KHẢ QUAN TRONG MÙA DỊCH

0825 TTBH corona ZOA

So với thông tin trước đó từ Tổng cục Thống kê, dữ liệu mới từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn…

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) vừa công bố số liệu về thị trường bảo hiểm Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020, dựa trên tổng hợp báo cáo hoạt động ước tính của các hội viên.

Cụ thể, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đến hết quý II/2020 ước đạt 82.944 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 26.991 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7%. Còn tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ (BHNT) đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn khả quan trong mùa dịch - Ảnh 1.

Như vậy, có thể thấy số liệu tổng hợp của IAV có sự khác biệt nhất định so với công bố trước đó của Tổng cục Thống kê (GSO) – nhất là ở khối BHNT.

Trước đó, theo GSO, tính tới hết quý II/2020, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu phí BHNT tăng 13%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.

Theo đánh giá của GSO, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm , đặc biệt là lĩnh vực BHNT với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng. Do lĩnh vực bảo hiểm không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu nên các điểm kinh doanh, giao dịch bảo hiểm với khách hàng phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, về tổng thể, các thống kê đều cho thấy, dù tốc độ tăng trưởng của toàn ngành có chậm lại so với cùng kỳ những năm trước, song đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan so với rất nhiều ngành trong bối cảnh tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Hơn 1,36 triệu hợp đồng BHNT khai thác mới trong giai đoạn Covid-19

Về mảng BHNT, theo số liệu thống kê ước tính của IAV, đến hết tháng 6/2020, tổng số hợp đồng khai thác mới là 1.367.489 hợp đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ là 12.032.944, tăng 19,7%. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối nhân thọ đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ (cao hơn 6 điểm% so với dữ liệu trước đó từ GSO).

Cùng với việc tăng về số hợp đồng khai thác mới và doanh thu phí bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới của khối nhân thọ tính đến tháng 6 tăng 12,5% đạt 17.304 tỷ đồng.

Khối phi nhân thọ chi trả bồi thường hơn 9.000 tỷ đồng sau 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chi trả bồi thường 9.028 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường khoảng 33% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Cụ thể, bảo hiểm xe cơ giới có doanh thu đạt 8.236 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 31% trong tổng doanh thu toàn thị trường, bồi thường 3.821 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 46%. Trong đó, doanh thu bảo hiểm  bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.495 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, tăng trưởng 33%. Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt 5.916 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 22%, bồi thường 3.434 tỷ đồng.

Bảo hiểm sức khỏe doanh thu đạt 8.051 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 30%, tăng trưởng 8%, bồi thường 2.458 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Bảo hiểm tài sản thiệt hại doanh thu đạt 3.790 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 14%, tăng trưởng 9%, bồi thường 847 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 22% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Bảo hiểm cháy nổ doanh thu đạt 3.068 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 11%, tăng trưởng 13%, bồi thường 776 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 25% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường). Trong đó, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 2.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9%, bồi thường 412 tỷ đồng. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 771 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3%, bồi thường 258 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn khả quan trong mùa dịch - Ảnh 2.

Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 1.123 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4%, giảm 11%, bồi thường 279 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 25% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu doanh thu đạt 1.101 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4%, tăng trưởng 6%, bồi thường 464 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 42% (chưa bao gồm dự phòng bồi thường).

Các nghiệp vụ bảo hiểm khác gồm bảo hiểm trách nhiệm đạt 569 tỷ đồng tăng trưởng 2%, bảo hiểm hàng không 264 tỷ đồng giảm 16%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính 428 tỷ đồng tăng trưởng 15%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh 112 tỷ đồng tăng trưởng 18%, bảo hiểm nông nghiệp đạt 20 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ, bảo hiểm bảo lãnh 15 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.

So với thời điểm cuối 2019, tại danh sách mới công bố (đầu tháng 7) của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã xuất hiện một vài gương mặt mới, nâng số lượng doanh nghiệp trong ngành từ 64 lên 70.

 

Theo BizLive