TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA NGÀNH BẢO HIỂM
TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều diễn biến khó lường, bất ổn do đại dịch covid 19, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí quan trọng đối với nền kinh tế – xã hội.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của thị trường bảo hiểm Việt Nam và chỉ ra những định hướng cho thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới. TBTCVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Thứ trưởng Bô Tài chính Huỳnh Quang Hải.
Bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò quan trọng
Một là, quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 73 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ nước ngoài; với mạng lưới phục vụ khách hàng trên toàn quốc, với gần 900 chi nhánh, văn phòng đại diện, hơn 1 triệu đại lý.
Các chỉ tiêu phát triển của thị trường bảo hiểm như: tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu của các giai đoạn 2016 – 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 tăng từ 19 – 25%. Doanh thu bảo hiểm tương đương 3,5% GDP.
Sản phẩm bảo hiểm được cung cấp tương đối đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo hiểm của người dân. Chất lượng dịch vụ bảo hiểm được tăng cường đáng kể.
Hai là, góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội.
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Những người được bảo hiểm đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính, được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Ba là, góp phần bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư.
Đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết tất cả các loại hình tài sản bao gồm công trình xây dựng, tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài; mọi ngành kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp đến các ngành dịch vụ; với đa dạng loại hình bảo hiểm từ bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, bảo hiểm hàng không, bảo hiểm hàng hải cho đến bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản…
Đến năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng. Có thể nói, bảo hiểm đã thể hiện vai trò là một công cụ, giải pháp tài chính hữu hiệu giúp cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh mà không cần sử dụng đến các giải pháp tín dụng và dự phòng tài chính khác.
Bốn là, thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế.
Về hội nhập kinh tế quốc tế, trong hiệp định tự do hóa thương mại song phương và đa phương, lĩnh vực bảo hiểm luôn cam kết với lộ trình và mức độ mở cửa thị trường cao so với các nước trong ASEAN và châu Á, tạo điều kiện thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Đồng thời, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn từ các lĩnh vực khác nhau thuộc các nước thành viên, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Năm là, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.
Trong những năm qua, nhiều chính sách bảo hiểm thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ đã được triển khai và đem lại hiệu quả tích cực. Điển hình như Chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã hoàn tất giai đoạn thí điểm và bước đầu triển khai ở các tỉnh thành; Chương trình bảo hiểm tàu cá (theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP) đã góp phần khuyến khích khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bên cạnh đó, Chương trình bảo hiểm thiên tai cũng đang được triển khai nghiên cứu xây dựng, sẽ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ gánh nặng của ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, bảo hiểm cũng đóng góp tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội mang tính chất cấp bách, đột xuất của Chính phủ.
Định hướng trong thời gian tới
Trong thời gian tới, dư địa phát triển của bảo hiểm Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bảo hiểm các nước trên thế giới và khu vực đã tạo khoảng cách với thị trường bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là khoảng cách giữa hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo hiểm so với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, là thành viên của Hiệp hội Quốc tế các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm (IAIS) và các tổ chức quốc tế khác, đây là thách thức không nhỏ.
Theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, thị trường bảo hiểm Việt Nam định hướng phát triển với các mục tiêu và giải pháp thực hiện chính như sau:
Mục tiêu đến năm 2025, phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.
Các nhóm giải pháp thực hiện chính gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý:
Hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2021, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các DNBH trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực,…; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.
Thứ hai, nâng cao tính minh bạch thông tin:
Yêu cầu các DNBH công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và tương ứng một cách kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhằm tăng cường kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ về DNBH, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro.
Thứ ba, phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm:
Đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiểm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất.
Thứ tư, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính:
Từng bước chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước về bảo hiểm từ mô hình quản lý tài chính là Biên khả năng thanh toán 1 sang mô hình vốn trên cơ sở rủi ro để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm, nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn của thị trường, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để hình thành một hệ thống thị trường bảo hiểm đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính.
Thứ năm, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
Nghiên cứu và hướng tới áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thị trường; ban hành các quy định chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực thông qua hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp với khung tiêu chuẩn năng lực; tăng cường công tác đào tạo cán bộ của ngành bảo hiểm.
Ngoài các nhóm giải pháp thực hiện nêu trên, cơ quan quản lý bảo hiểm cần tập trung tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp; tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.
Với những kết quả và định hướng như trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế – xã hội.
Nguồn: TBTCVN