NGÂN HÀNG BÁN BẢO HIỂM CÓ VI PHẠM LUẬT CẠNH TRANH
Câu hỏi đặt ra là liệu việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc bán bảo hiểm (qua hợp đồng đại lý bảo hiểm – bancassurance) như hiện nay có phù hợp với pháp luật và có bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng?
Hiện nay, hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng thương mại là phổ biến. Báo cáo tài chính được các ngân hàng công bố, trong khoản lợi nhuận ngàn tỉ đồng của năm tài chính 2020, đóng góp từ bán bảo hiểm chiếm tỷ trọng không nhỏ. Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu vay, ngân hàng sẽ khuyến khích và/hoặc ép buộc khách hàng tham gia một hợp đồng bảo hiểm. Đổi lại, các công ty bảo hiểm sẽ thanh toán cho ngân hàng một khoản phí bán hàng theo các tỷ lệ đã được ấn định trước giữa hai bên. Xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2021.
Lợi ích kinh tế
Mục lục bài viết
Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2020 của các ngân hàng, lợi ích của bancassurance là không bàn cãi. Việc bán bảo hiểm trước khi ký kết và/hoặc giải ngân đã mang lại cho các ngân hàng khoản hoa hồng từ việc bán hàng.
Ở khía cạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm, nó giúp các doanh nghiệp này tăng các hợp đồng. Xét từ khía cạnh quản trị chi phí, thay vì tổ chức các hội thảo, chi hoa hồng cho nhân viên bán bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ việc chia một phần khoản chi phí ấy cho các ngân hàng thông qua việc thiết lập khoản hoa hồng mà ngân hàng sẽ được hưởng khi bán hàng.
Tuy vậy, ở góc độ của khách hàng (những người đi vay ngân hàng), thì câu chuyện sẽ hơi khác một chút. Về mặt lý thuyết, có hai khả năng xảy ra:
Nếu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm, việc ngân hàng giới thiệu các gói bảo hiểm tôi cho đó là một hoạt động kinh doanh thuần túy. Và ở một mức độ nào đó là mang lại lợi ích cho khách hàng.
Nếu khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu và/hoặc họ đã mua bảo hiểm ở một đơn vị khác, việc ngân hàng dùng việc mua bảo hiểm trở thành điều kiện bắt buộc để khoản vay được thông qua hoặc khoản vay được giải ngân, thì bản chất của nó hoàn toàn khác.
Khách hàng trong trường hợp này không có sự lựa chọn, đặc biệt là khi gần như toàn bộ hệ thống ngân hàng đều áp dụng chính sách này, nó tạo ra hệ lụy đó là khách hàng phải chi trả nhiều hơn. Nói cách khác, chi phí tiếp cận nguồn tín dụng thay vì giảm thì lại tăng vì khoản tiền phải thanh toán cho hợp đồng bảo hiểm mà xét về bản chất là khách hàng hoàn toàn không có nhu cầu.
Vai trò của pháp luật cạnh tranh
Quan hệ hợp tác giữa ngành ngân hàng và bảo hiểm như hiện nay đối diện với những rủi ro từ Luật Cạnh tranh, nếu việc khách hàng phải mua bảo hiểm là không tự nguyện. Cụ thể, điểm đ khoản 1 điều 27 Luật Cạnh tranh cấm doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường “yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác”.
Để áp dụng quy định này có ba điều cần phải chứng minh:
Một là, chủ thể thực hiện hành vi phải có vị trí thống lĩnh thị trường. Tôi cho khía cạnh này là không khó. Cơ quan quản lý chỉ cần xử lý ngân hàng (đơn lẻ) nào đó có thị phần từ 30% trở lên hoặc hay hơn là xác định một nhóm ngân hàng (năm ngân hàng trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan).
Hai là, (các) ngân hàng phải có hành vi “yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng”. Đối với yếu tố này, câu hỏi được đặt ra là “Việc mua bảo hiểm thì liên quan gì đến cấp tín dụng?” và “Nếu không mua bảo hiểm thì nó có làm thay đổi bản chất của hợp đồng tín dụng hay không?”. Xét về mặt logic, tôi cho rằng hành vi buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay hoặc được giải ngân là một hành vi mang tính bất chính và bóc lột khách hàng.
Ba là, hành vi “bán bia kèm lạc” ở trên phải “dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác”. Hậu quả này, xét về mặt thực thi sẽ rất khó để chứng minh bởi khách hàng là cá nhân gần như không được đề cập trong quy định này.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan quản lý cạnh tranh phải chứng minh là thông qua việc phải mua bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ phải chịu một chi phí quá cao trong việc sử dụng vốn. Và điều này sẽ dẫn đến khả năng ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc thậm chí là bị loại khỏi thị trường.
Một vài kết luận
Giám sát sự minh bạch của thị trường, bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế luôn là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, bên cạnh sự khó khăn, nó cũng tạo cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí tiếp cận vốn cao sẽ là một trở lực đối với doanh nghiệp.
Điều khó hiểu là Luật Cạnh tranh (năm 2018) mặc dù đã có hiệu lực gần hai năm, nhưng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cơ quan giám sát về cạnh tranh vẫn chưa được thành lập, khiến cho những quy định của Luật Cạnh tranh dường như vẫn nằm im trên giấy.
Quy định của luật về hậu quả của “hành vi bán bia kèm lạc” nói trên (phải “dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác”), xét về mặt câu chữ, gần như đã loại các khách hàng cá nhân. Và điều đó có nghĩa về mặt thực tế, có thể có tình trạng khách hàng cá nhân bị ép phải mua bảo hiểm, nhưng Luật Cạnh tranh cũng không thể với tay đến bancassurance.
Bộ Tài chính yêu cầu xử lý việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm
Bộ Tài chính vừa có thông tin về một số vấn đề được dư luận quan tâm liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, trong đó có đề cập việc một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách mua bảo hiểm khi vay vốn.
Theo Bộ Tài chính, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, không quy định cụ thể hoặc giới hạn về sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng.
Các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng cũng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm với ngân hàng…
Việc quản lý, giám sát đối với nhân viên ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm bảo đảm tuân thủ các quy định theo hợp đồng đại lý bảo hiểm, thuộc thẩm quyền của ngân hàng.
Trước tình trạng một số ngân hàng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng, phối hợp với ngân hàng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nếu có…
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là tổ chức tín dụng. Việc này giúp kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm với các tổ chức tín dụng bảo đảm tuân thủ quy định, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời trường hợp có vi phạm.
Nguồn: Khoabaohiem