CẢM NHẬN BẢO HIỂM DƯỚI GÓC NHÌN TÀI CHÍNH

Bảo hiểm chính là bùa hộ mệnh được xem như là phương pháp cứu cánh cho việc chi trả những khoản viện phí. Nhưng sẽ ra sao nếu cứ mãi “thần thánh hóa” , sẽ có lúc bảo hiểm vì thế mà lại gặp một làn sóng tẩy chay. Nguyên nhân không phải vì tư vấn viên không hiểu điều khoản cơ bản, mà vì người tư vấn tài chính chưa am hiểu tài chính.

Sau đây là góc nhìn của tài chính về bảo hiểm:

z2511334545315 01581e76c6f9a15bdb2975f3ba3b1e4e

Mua quá sức

Khi phân tích về bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thường “thần thánh hóa” ý nghĩa mà bảo hiểm mang lại như đảm bảo an toàn tài chính, cách tiết kiệm hiệu quả, lập quỹ giáo dục cho con, hưu trí an nhàn, chuyển giao rủi ro, có người còn bảo “tích lũy hoàn toàn”…

Nói chung là rất nhiều điều hay, lẽ phải, làm cho khách hàng bị cuốn theo mà “chuyển giao quá sức”, đến khi kinh tế gia đình gặp khó khăn thì không thể duy trì hợp đồng, hoặc duy trì bằng cách giảm số tiền bảo hiểm, chấp nhận mất phí.

Lãi suất thực trả không bằng lãi suất ngân hàng

Nhiều đại lý bảo hiểm tư vấn rằng, lãi suất bảo hiểm ngang bằng lãi suất ngân hàng, trong khi được bảo hiểm rủi ro, thậm chí một số bạn tư vấn bảo hiểm ở ngân hàng cũng nói như vậy. Điều này hoàn toàn sai.

Cam kết lãi, nhưng khách hàng có thể lỗ

Khi tham gia bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm phải chi trả một số khoản phí, trong đó đáng kể nhất là phí ban đầu.

Phí này giúp công ty bảo hiểm trang trải hoa hồng, chi phí quản lý, thẩm định, phát hành hợp đồng… và một ít là lãi của công ty. Tùy cách công ty thu, nhưng thông thường 3 năm đầu khách hàng sẽ bị thu khoảng 150% nhân (x) phí cơ bản hàng năm.

Lạm phát khiến lãi thực rất thấp

Tỷ lệ lạm phát trung bình của Việt Nam những năm gần vào khoảng 4%/năm, trong khi đó, lãi suất bảo hiểm chỉ khoảng 5%/năm.

Như vậy, số tiền lãi thực là rất thấp (chỉ 1%/năm) để người mua bảo hiểm có thể về hưu an nhàn. Như đã nói ở trên, nếu tính luôn lạm phát cộng (+) các loại phí thì khách hàng chỉ có lỗ.

Cẩn trọng làn sóng tẩy chay

Bảo hiểm có rất nhiều lợi ích mà bất cứ người trụ cột nào cũng sẽ cần để đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình nếu chẳng may có những rủi ro không mong muốn xảy ra.

Tuy nhiên, để phát triển ngành bảo hiểm lâu dài cũng như tăng tỷ lệ sở hữu hợp đồng trong dân chúng, ngành bảo hiểm cần “cảm nhận bảo hiểm dưới góc nhìn tài chính”, đào tạo kiến thức phân tích tài chính chuyên sâu hơn, có hệ thống hơn để các tư vấn viên có đủ khả năng thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm bằng giá trị thực vốn có của nó. Không nên vì doanh số, chỉ tiêu, lợi ích nhất thời mà quên đi cái lợi lâu dài.

Nguồn: TNCK