Những nguy cơ ung thư vú
Biết được những nguy cơ gây nên bệnh ung thư vú sẽ giúp bạn và các bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị một cách tích cực nhất.
So với 15 năm trước, những kiến thức về ung thư vú đã trở nên phổ biến hơn bởi sự phát triển của y khoa và công nghệ. Điều này giúp chúng ta có thể chẩn đoán dễ dàng và chính xác hơn, điều trị hiệu quả hơn và đặc biệt là ngăn ngừa được các nguy cơ mắc bệnh cho chính bạn và gia đình.
Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ cao, xuất phát từ một số yếu tố mà chúng ta không thể kiểm soát được như gen di truyền. Tuy nhiên, việc bạn có những yếu tố rủi ro đó không đồng nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh. Việc nắm bắt và xác định các nguy cơ ung thu vú không thể kiểm soát có thể tạo ra sự khác biệt tích cực đối với sức khỏe của bạn trên nhiều mặt, không chỉ riêng căn bệnh này.
Một khi bạn có thể nắm bắt được các rủi ro của cơ thể, bạn sẽ có thể cùng các bác sĩ của mình lên kế hoạch tầm soát và tìm các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Tìm hiểu về tiền sử bệnh lý của gia đình bạn
Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu về tiền sử gia đình bởi đây là một trong những nguy cơ hàng đầu của bệnh ung thư vú. Đôi khi bệnh ung thư vú gây ra bởi đột biến gen và 10% trong số đó là do di truyền. Thùy Uyên nói rằng cô đã cực kỳ can đảm khi lựa chọn cắt bỏ vú của mình sau khi xác định bị dương tính với căn bệnh này, và tiền sử gia đình cô cũng đã có người mắc ung thư vú. Tuy nhiên, đôi khi việc bạn mắc ung thư vú hay không, không quá phụ thuộc vào di truyền.
Bạn cần tìm hiểu về những người đã từng mắc ung thư trong gia đình từ độ tuổi mắc bệnh, loại ung thư họ gặp phải là ung thư vú hay ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư vú sẽ gia tăng theo độ tuổi và hãy để ý đến những người mắc bệnh vào trước thời gian mãn kinh (khoảng 50 tuổi). Các chuyên gia y tế có thể xem xét và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tiền sử ung thư của gia đình bạn, giúp bạn giải đáp những thắc mắc và đưa ra lời khuyên hợp lý.
Thay đổi lối sống của bạn
Các yếu tố đời sống tiêu cực liên quan đến ung thư vú bao gồm hút thuốc, uống rươu, béo phì (ở phụ nữ mãn kinh) và sự thay đổi hormone (HRT, bao gồm estrogen và progesterone) ở thời điểm mãn kinh.
Hoạt động thể chất thường xuyên cũng góp phần làm giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh. Một chế độ ăn nhiều rau củ và dầu thực vật cũng làm giảm nguy cơ ung thư vú. Có những lo ngại rằng việc sử dụng quá nhiều chất hóa học và các độc tố không tốt sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận khoa học nào chứng minh điều này.
Tầm soát ung thư vú
Tầm soát ung thư vú là biện pháp được sử dụng để kiểm tra các dấu hiệu ung thư sớm ở những phụ nữ chưa có triệu chứng. Việc tầm soát phải được thực hiện ở các mức độ khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe cá nhân của bạn, bao gồm cả tuổi tác và tiền sử gia đình.
Đối với mỗi loại tầm soát, chúng ta cũng cần phải cân bằng giữa cái lợi và cái hại, ví dụ như kết quả dương tính giả, chẩn đoán sai và điều trị quá mức.
Khám vú. Hầu hết các chuyên gia cảm thấy rằng kiểm tra vú bởi một chuyên gia y tế (hoặc tự kiểm tra) không có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh đối với những người chưa có bệnh lý về vú, vì chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú gây ra.
Chụp nhũ ảnh. Đây là loại tầm soát chính cho phép phát hiện sớm ung thư vú. Tuy nhiên có một điều đáng để tâm là rất có thể loại tầm soát này đưa đến một kết quả dương tính giả. Trước đây, phụ nữ được khuyên là nên chụp nhũ ảnh vào những năm 40 tuổi, tuy nhiên điều này đã thay đổi theo các chế độ tầm soát mang tính cá nhân hơn. Lời khuyên cho những phụ nữ đang quan tâm đến sức khỏe của mình là nên chụp nhũ ảnh một lần trong mỗi 2-3 năm từ độ tuổi 50-74 tuổi.
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (chụp MRI). Hình ảnh cộng hưởng từ của vú chỉ được sử dụng cùng với chụp X quang tuyến vú để sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, chẳng hạn như những người dương tính với BRCA1 hoặc BRCA. Những loại tầm soát này không được khuyến nghị cho những phụ nữ có có ít dấu hiệu hoặc ít nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, lý do là vì đôi khi sẽ mang đến những kết quả dương tính giả.
Vì vậy, hãy tìm hiểu hồ sơ cá nhân của bạn đối với bệnh ung thư vú, dành thời gian để thảo luận với các chuyên gia y tế và thông báo cho họ về các dấu hiệu bạn cho là đáng ngại. Xã hội càng phát triển thì các phương pháp tầm soát, phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư vú sẽ càng phát triển.
Cuộc sống của chúng ta đi kèm với nhiều thách thức, đừng nên lo lắng và sợ hãi trước những thứ ta có thể phòng ngừa và kiểm soát.
Hiểu được những nguy cơ ung thư vú không chỉ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về căn bệnh này mà còn ngăn ngừa mắc bệnh. Hãy chủ động hơn trong việc phòng ngừa để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Thông tin trên đây mang tính chất tham khảo.
Nguồn SunLife