6 bước chuyển hóa áp lực thành động lực để thành công
Cố gắng bình tĩnh, chịu đựng những áp lực có thể phản tác dụng. Ngược lại, biến áp lực trở thành niềm hứng thú sẽ giúp bạn tạo ra kết quả tốt hơn mong đợi.
Đã bao giờ bạn đặt ra cho mình một mục tiêu lớn đến nỗi nó gây cho bạn thật nhiều áp lực, khiến bạn lo lắng mất ăn mất ngủ và luôn tự hỏi: “Tại sao tôi là làm như thế này?”. Lo âu là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi nhiều thử thách xuất hiện, buộc bạn phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp, rồi đôi khi lâm vào bế tắc và bạn có thể bắt đầu trượt dốc…
Không phải ai cũng có thể chịu đựng được áp lực cao. Nếu biết cách biến áp lực thành động lực, niềm hứng thú, bạn có thể giải quyết vấn đề hiệu quả. Điều gì đến sẽ phải đến, thay vì suy nghĩ theo lối mòn, bạn hãy tập cách điều khiển tư tưởng theo hướng khác để chuyển sự lo lắng thành động lực. Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ khiến bạn bất ngờ.
Tôi đã học được các bước để có thể biến lo âu, căng thẳng thành động lực để đạt được mục tiêu. Chuyển hóa áp lực thành năng lượng là một phần quan trọng trên của hành trình theo đuổi thành công.
Bước 1: Xác định đam mê
Muốn thành công, bạn phải có niềm đam mê ở mức cao nhất. Mong mỏi thành công, đạt được mục tiêu là bước đầu tiên của hành trình tìm kiếm thành công. Nếu đam mê không cháy trong bạn, bạn sẽ không có động lực thực hiện mục tiêu đến cuối cùng. Chỉ có niềm đam mê mới có thể giúp bạn cam kết theo đuổi thành công đến cùng.
Với mục tiêu trở thành doanh nhân, tôi đã bỏ học trung học để khởi nghiệp. Không có kinh nghiệm kế toán, không có hỗ trợ tài chính, không có ý tưởng gì để biến ước mơ thành hiện thực, nhưng tôi có ĐAM MÊ. Chỉ khi có ĐAM MÊ cháy bỏng, bạn mới có động lực để làm tiếp bước 2, cho phép bạn thân đặt mình vào vai trò mới để thực hiện đam mê.
Bước 2: Xác định vai trò của bản thân
Bạn có xác định được vai trò của bản thân trong cuộc sống cũng như những việc bạn phải làm để đặt được mục tiêu mong muốn không? Tôi thực sự cảm thấy trở thành doanh nhân thành công là mục đích sống của mình.
Vì vậy, tôi đã thiết kế lại cuộc đời để có thể có cơ hội theo đuổi con đường đam mê. Thực sự tôi rất lo lắng bởi tôi đang sử dụng tài sản của gia đình để đầu tư mạo hiểm.
Bạn cũng từng lo lắng điều tương tự phải không? Nhưng bạn có thể chuyển lo lắng thành động lực bằng cách xác định rõ kế hoạch để thực hiện đến cùng mục tiêu của mình.
Với trách nhiệm phải thành công để trả lại tài sản của gia đình, tôi chuyển hóa sự lo lắng thành động lực bằng cách trò chuyện với người thân trong gia đình. Khi tính toán, tôi nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và những việc mình cần làm để thực hiện được mục tiêu.
Xác định được vai trò của bản thân, từng bước thực hiện mục tiêu hiện ra rõ ràng trước mắt tôi.
Có những sự căng thẳng là động lực, nhưng cũng có sự căng thẳng khiến bạn đuối sức.
Bước 3: Phân biệt rõ stress tốt và stress xấu
Khi bạn đang cố gắng mở rộng tầm nhìn và phát triển sự nghiệp, bạn sẽ gặp căng thẳng. Nhưng quan trọng là bạn có thể xác định được đâu là sự căng thẳng cần thiết, đâu là điều đang khiến bạn trở nên tệ hơn.
Sự căng thẳng tích cực thúc đẩy sự phát triển con người cả về tinh thần và sức mạnh. Khi bạn theo đuổi ước mơ, chắc chắn bạn sẽ phải trải qua những thăng trầm, nhưng hãy để nó khiến bạn mạnh mẽ hơn. Ngược lại, sự căng thẳng tiêu cực khiến bạn không thể kiểm soát được cuộc sống.
Bạn sẽ dần từ bỏ niềm đam mê, thu mình trong vùng an toàn và khiến mọi thứ chệch hướng. Loại căng thẳng này khiến bạn suy nhược, yếu hơn và bị ám ảnh bởi suy nghĩ “thật tội nghiệp cho tôi”. Khi đó, sẽ không có giấc mơ nào được hoàn thành ngoài cảm giác hối tiếc.
Nếu bạn tin vào những suy nghĩ tiêu cực, nó sẽ trở thành hiện thực. Đứng trước những thay đổi, bạn phải có niềm tin và nó sẽ biến những áp lực thành động lực cho bạn trong suốt hành trình.
Bước 4: Tìm cảm hứng từ những câu chuyện thành công
Hãy cho phép bản thân tiếp cận với những câu chuyện thành công, để bạn có thể thấy người thành công làm cách nào để đạt được những mục tiêu của họ. Nếu họ có thể, thì bạn cũng có thể. Thay vì lo lắng, hãy tập trung sức mạnh để thực hiện “cú nhảy” quyết định thành công.
Tôi từng đọc nhiều câu chuyện về những người đã kiếm được mức thu nhập mục tiêu tôi đề ra và tìm cơ hội để trò chuyện với họ về con đường họ đã đi. Nắm bắt ý tưởng của họ, xem cách chúng phát huy hiệu quả trong cuộc sống và hành động tương tự giúp tôi tìm thấy con đường đi ít trở ngại hơn.
Bước 5: Là chính mình để giành chiến thắng
Bạn sẽ gặp một số người cố gắng khiến bạn nhụt chí, từ bỏ mục tiêu. Có thể, họ xuất phát từ một ý định tốt và muốn giúp đỡ bạn, nhưng cuộc thảo luận này có thể khiến bạn nghi ngờ định hướng và lo lắng về mục tiêu của bản thân. Bạn mới là người kiểm soát cuộc sống của chính bạn, hãy lịch sự cho họ biết điều này.
Đừng để “con tàu” của bạn trật bánh. Kiểm soát ý chí và năng lượng của bản thân, căng thẳng, áp lức sẽ là yếu tố hỗ trợ bạn vươn lên mạnh mẽ hơn
.
Bước 6: Đừng bị tê liệt bởi những nỗi sợ vô lý
Giành lại quyền kiểm soát bản thân, năng lượng này sẽ hỗ trợ bạn không bị tê liệt bởi những nỗi sợ hãi vô lý. Tôi từng có rất nhiều nỗi sợ hãi mơ hồ, chúng ám ảnh tôi trong thời gian dài.
Sự căng thẳng khi đó khiến tôi quyết định phải đối mặt với chúng. Bởi sợ độ cao, tôi quyết định học nhảy dù. Bởi sợ nước, tôi quyết định phải học bơi hàng ngày. Cho đến một ngày, tôi đã có thể biến nỗi sợ hãi vô lý trở thành năng lượng và động lực sống, chúng giúp tôi tận hưởng cuộc sống và phát triển tốt hơn.
Thu Hoài (Trí thức trẻ)